Hệ thống bơm keo hai thành phần hay còn được gọi là hệ thống 2K Meter-Mix là các thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong các ứng dụng liên quan đến kết dính, làm đầy (filling), hay đổ khuôn (potting/ encapsulating) cho nhiều loại thiết bị.
Nhưng trong quá trình sử dụng, hệ thống này có thể gặp lỗi, dẫn đến sản phẩm cuối cùng không đạt chất lượng hoặc làm gián đoạn quá trình sản xuất. Nhất là khi các vendor không có trụ sở tại Việt Nam, việc sửa chữa bảo hành sẽ tốn thời gian, công sức. Trong bài viết này, Prostech sẽ đưa ra một số lỗi thường gặp khi sử dụng hệ thống bơm keo hai thành phần và cách giải quyết.
Keo không khô
Keo sau khi tra đều cần một khoảng thời gian để khô hoàn toàn (full cure), nếu sau khoảng thời gian đó, ví dụ 24 tiếng, mà keo không đạt được độ kết dính mong muốn, thì có thể có một số vấn đề sau:
- Vật liệu không đạt chất lượng tiêu chuẩn: Hết hạn sử dụng; bị hỏng do bảo quản, vận chuyển,… Vậy nên kỹ sư cần kiểm tra lại chất lượng vật liệu trước khi kiểm tra lỗi từ thiết bị
- Thiết bị bơm (pump) có vấn đề dẫn đến trộn keo không đều. Đây là một lỗi rất hay gặp, khi bơm keo bị hỏng, dẫn đến sai tỷ lệ đầu vào, hai thành phần A, B không thể xảy ra phản ứng polyme hóa, hoặc phản ứng một phần. Khi gặp lỗi này kỹ sư cần cài đặt lại thiết bị bơm keo theo đúng tỷ lệ. Nếu sau đó keo vẫn không đạt chất lượng, có thể bộ phận bơm keo đã hỏng, hãy liên hệ với vendor hoặc tìm đơn vị chuyên sửa chữa gần nhất để tìm cách khắc phục.
- Keo trộn không đều: Bộ phận khuấy của máy gặp vấn đề, quay không đều, cánh khuấy không đạt chất lượng (có thể bị mài mòn nếu trong keo có thành phần filter là hợp kim)
Tắc ống dẫn keo
Một số loại keo nếu không được bảo quản tốt hoặc không làm sạch hoàn toàn sau khi kết thúc ca làm việc trước sẽ xảy ra hiện tượng đóng cặn, hoặc có dị vật, các dị vật này sẽ làm tắc đường ống dẫn keo.
Một trường hợp khác là do thành phần A hoặc B phản ứng với không khí/ độ ẩm, gây ra đông cứng một phần, từ đó làm tắc ống dẫn keo.
Vì vậy trước khi cho keo vào máy, cần kiểm tra, vệ sinh các bình chứa và dây dẫn. Việc kiểm tra chất lượng keo cũng rất quan trọng để tránh tình trạng như trên.
Keo bị rò rỉ
Keo thường rò rỉ ở hai vị trí chính, ở các đầu nối (connector; luer lock) hoặc ở đầu kim tra keo. Keo bị nhỏ giọt không kiểm soát, dù đã khóa van, khi bơm keo thấy keo bị rỉ ra các đầu nối. Hiện tượng này dẫn đến thất thoát vật liệu và vấn đề vệ sinh. Nguyên nhân chính là do thiết bị không được bảo dưỡng thường xuyên, khóa van sau một thời gian hoạt động sẽ bị bào mòn, không thể bịt kín được chất lỏng. Vì vậy hãy bảo trì và thay thế linh kiện theo tháng để thiết bị luôn vận hành trơn tru.
Xuất hiện bọt khí
Trước khi keo đi vào, các bình chứa keo (tank) đều được hút chân không, đảm bảo không có không khí và độ ẩm. Nếu bộ hút chân không (vacuum) gặp vấn đề, cộng với áp lực của máy bơm, sẽ làm xuất hiện bọt khí. Các bọt khí sẽ ngăn cản hai thành phần A, B tiếp xúc tối đa, ngăn hợp chất tiếp xúc với bề mặt. Từ đó làm giảm chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm cuối cùng.
Tra keo không đúng vị trí
Tra keo ra ngoài vị trí, thường xảy ra khi người vận hành thiết bị cài đặt sai, do sai số của máy (hiếm gặp) hoặc khi thay đổi ứng dụng. Vấn đề này cần người vận hành máy nắm rõ các thông số kỹ thuật trên bộ điều khiển, cũng như tính toán chính xác đường di chuyển của đầu kim tra keo. Hãy đọc kỹ các hướng dẫn sử dụng hoặc tìm người hướng dẫn nếu cần thiết.
Dây chuyền sản xuất là một vòng tròn khép kín, bất kể một gián đoạn nào cũng sẽ tạo ra một lỗ hổng trong toàn bộ quá trình sản xuất. Vậy nên, việc nhanh chóng giải quyết lỗi sẽ giúp công ty tiết kiệm thời gian, công sức, cũng chính là tiền bạc. Hãy liên hệ với Prostech khi thiết bị của bạn gặp những vấn đề trên. Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, chi nhánh trên toàn quốc, luôn sẵn sàng 24/7 để giải quyết vấn đề của thiết bị và vật liệu. Liên hệ với chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết: